Đình Vuông - Chùa Bảo Hoa xã Giao Phong
Di tích lịch sử văn hóa Đình Vuông, chùa Bảo Hoa thuộc xóm Lâm Hoan xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Đây là quần thể di tích rất có giá trị về lịch sử và nghệ thuật kiến trúc.

Đình Vuông trước khi trùng tu

Nội dung minh văn trên chiếc chuông đồng cổ có niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ nhất (1705), khánh đồng niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 (1768) đang lưu giữ tại chùa Bảo Hoa cùng với tư liệu của các dòng họ là minh chứng cho sự hình thành mảnh đất và nguồn gốc dân cư nơi đây: Vào những năm cuối thế kỷ XVII, với chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, triều đình phong kiến nhà Lê (triều Lê Trung Hưng) khuyến khích nhân dân khai hoang, lấn biển mở rộng đất đai canh tác. Vùng đất Giao Phong- Giao Thủy bấy giờ còn là những cồn cát hoang vu, buổi đầu về mảnh đất Giao Phong sinh sống có các dòng họ Nguyễn (từ vùng đất Hà Tây), họ Cao đến từ Nam Dương huyện Nam Trực, họ Mai đến từ huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.Về đến vùng đất này, các ông tổ các dòng họ còn chiêu mộ thêm dân nghèo các nơi cùng về cùng hợp sức khẩn hoang, quai đê lấn biển. Công cuộc khẩn hoang, quai đê lấn biển cải tạo đồng ruộng của các vị tổ diễn ra khẩn trương đã thu hút được nhiều dòng họ khác từ nhiều nơi cùng về dựng làng, lập ấp.

Trước Cách mạng Tháng Tám xã Giao Phong thuộc thôn Thượng, trang Quất Lâm, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, các đơn vị hành chính cũ đều được thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Lúc này thôn Quất Lâm Thượng, Quất Lâm Hạ và Văn Trì hợp nhất thành xã Quất Hải. Đình Vuông, chùa Bảo Hoa thuộc thôn Thượng xã Quất Hải, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Đến năm 1955-1956, thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất của Đảng và Nhà nước, cùng với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của địa phương nên xã Quất Hải được chia thành 2 xã Quất Lâm và Giao Phong. Ngày 12-12-1967, Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 174-CP sát nhập hai huyện Giao Thủy, Xuân Trường thành huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Hà. Hai di tích này thuộc huyện Xuân Thủy. Ngày 26-12-0997, Chính phủ ra Nghị định số 19-CP tách huyện Xuân Thủy thành hai huyện Giao Thủy và Xuân Trường. Từ đó đến nay, qua nhiều làn thay đổi địa giới hành chính, Giao Phong là 1 trong 22 xã, thị trấn của huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Tọa lạc trên xóm Lâm Hoan (cạnh trụ sở UBND) xã Giao Phong, kề sát với trục đường 56 nối trung tâm huyện Giao Thủy với khu Du du lịch tắm biển Quất Lâm.

Đình làng mang tên là Đình Vuông bởi được xây theo kiểu bố cục hình chữ "Vương". Tuy nhiêm vì đình thờ Đức thánh Triệu Việt Vương cho nên nhân dân trong vùng kiêng húy chữ "Vương" gọi chệch là "Vuông".


Đình Vuông sau khi được trùng tu năm 2013

Đình được xây dựng trên một khu đất rộng 1155m2, mặt quay về hướng Nam. Nghi môn trước đình được xây dựng bề thế với 3 cổng ra vào. Qua nghi môn đến một sân rộng lát bằng gạch vuông nung đỏ là tới công trình chính. Công trình kiến trúc đình vuông được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất hậu vương” gồm các tòa:

Tòa thứ nhất gọi là đình trống có 3 gian xây cuốn vòm, kiến trúc kiểu “cổ đẳng” hai tầng tám mái. Chính giữa hiên tiền đường đắp họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” cùng các đầu đao uốn cong trang trí họa tiết vân án, rồng chầu. Phần cổ đẳng nối mái tầng trên với tầng dưới được chia làm 3 khoang đều đắp trang trí họa tiết “rồng chầu, tứ linh” bằng chất liệu vôi vữa

Tòa chữ Vương được dựng nối liền với tòa thứ nhất gồm các hạng mục: Tiền đường, trung đường, cung cấm.Tòa tiền đường có kích thước dài: 12,80 m; rộng 5,10 m được chia thành ba gian hai trái, bộ mái công trình lợp ngói nam, kiến trúc kiểu cổ đẳng hai lớp mái, hai bên hồi tiền đường đắp họa tiết kìm nóc đấu trụ. Phần cổ đẳng nối mái tầng trên với tầng dưới được chia thành các khoang, khoang giữa đắp đại tự ghi dòng chữ: “nhật nguyệt chiêu lâm”, hai khoang bên đắp họa tiết long chầu.

Tòa trung đường gồm 3 gian xây nối mái với tòa tiền đường có kích thước dài 8,90 m, rộng 7,90, gian giữa kiến trúc bằng gỗ lim vì kèo kiểu uốn vành mai. Tại đây trên các cấu kiện từ xà thượng, xà hạ đều được chạm khắc phong phú các họa tiết bầu rượu, túi thơ, đàn sáo xênh tiền… theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX.

Nối liền với trung đường là tòa ống muống có kích thước dài 4,70m; rộng 3, 70m. Hai đầu tòa ống muống có bức tường ngăn, một đầu nối vơi tòa trung đường một đầu nối với cung cấm. Trên bức tường ngăn tạo thành 3 khoang cửa, khoang cửa giữa được sơn son thiếp vàng phía trên có bức đại tự ghi dòng chữ: “Hải vô ba”, hai khoang bên là hệ thống cửa “mạch” lắp cánh gỗ.




Sắc phong và nhang án công đồng Đình Vuông

Điều đặc biệt nhất ở Đình Vuông là một công trình kiến trúc còn bảo tồn nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ, đặc biệt là những mảng chạm khắc rất tinh xảo đã góp phần làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình kiến trúc.
Hàng năm tại di tích còn diễn ra nhiều ngày lễ với nhiều nghi thức phong phú đặc biệt là nghi thức rước thánh “Nghinh quan hải” rất độc đáo tổ chức trong các ngày 13,14,15 tháng Tám âm lịch. Quãng đường rước bắt đầu đi từ di tích ra biển. Ngày nay trong dịp lễ hội truyền thống các thôn trong xã Giao Phong tổ chức rước kiệu về đình nhằm kỷ niệm ngày hiển linh của Đức thánh Triệu Việt Vương. Nhiều dòng họ trong làng còn tổ chức mang lễ vật ra đình để lễ thánh. Bên cạnh các trò chơi dân gian truyền thống như: cờ người, leocầu ngô, đánh đu, Ban tổ chức lễ hội còn lồng ghép nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, giao lưu văn hóa, văn nghệ tạo thành một ngày hội văn hóa- thể thao rất sôi động góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

 Chùa Bảo Hoa: trong văn bia “Bảo Hoa tự bi ký” lưu giữ tại chùa có đoạn chép: “Chùa Bảo Hoa tọa lạc tại trang Quất Lâm, huyện Giao Thủy là một ngôi chùa cổ được dựng ở một nơi có địa thế rất đẹp. Trước chùa có một con sông dài, chảy ra biển nước lớn quanh năm, có bến sông với nhiều thương nhân tụ họp. Bên trái chùa là giếng cổ có nguồn nước trong vắt chảy tới thật linh thiêng. Phía bên phải là ao lớn, nước sông đổ vào tạo nên cảnh đẹp”. Trải qua nhiều đổi thay, biến thiên của lịch sử, ngôi chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, song di tích vẫn bảo lưu được phong cách cổ truyền.





Chùa Bảo Hoa

Chùa Bảo Hoa kiến trúc kiểu “tiền nhất hậu đinh” gồm các hạng mục: bái đường, trung đường và tam bảo. Tòa bái đường chia thành 5 gian có kích thước dài 15,5m; rộng 4,20m, hiên bái đường xây cuốn vòm, chia thành 5 khoang cửa cuốn vành mai. Phía trên hiên xây bao loan bổ trụ trang trí họa tiết triện tàu lá dắt. Chính giữu hiên xây cuốn thư đắp ba chữ Hán: “Bảo Hoa tự”, ở hai góc hiên phía đốc bái đường xây cột hoa biểu cao 7m, đỉnh trụ đắp phượng lật. Phần mái tiền đường lợp ngói nam, giữa bờ nóc đắp họa tiết “triện tàu lá dắt” trên nền bánh xe luân hồi, biểu tượng cho sức mạnh của Phật pháp.

Theo nội dung dòng chữ Hán khắc trên long cốt bái đường thì chùa được trùng tu lớn vào năm Tân Tỵ (2001). Sau lần tu sửa này thì toàn bộ công trình kiến trúc của chùa được làm bằng bê tông cốt  thép rất khang trang, bền vững. Tại bái đường hiện nay còn bảo lưu được bốn bộ vì bằng gỗ lim làm theo phong cách “quá giang câu đầu, trụ non ván mê” tất cả các ván mê đều soi chỉ khoét mộng đặt cấu kiện hoành của vì mái. Đây là thành phần kiến trúc của công trình trước qua  nhiều lần trùng tu vẫn được nhà chùa giữ lại.

Tòa trung đường được xây nối liền với tòa bái đường qua hệ thống cột bê tông cốt sắt. Công trình gồm 5 gian, bộ mái xây cuốn vòm, mái gắn ngói nam. Tuy là hạng mục mới phục dựng song về đường nét hình khối kiến trúc vẫn tuân theo phong cách cổ truyền dân tộc bằng cách sử dụng kết cấu “quá giang” đã tạo sựu thông thoáng cho công trình kiến trúc.

Tòa Tam bảo được xây quay dọc nối mái với trung đường. Công trình gồm 3 gian có kích thước dài 8,40m; rộng 7,50m. Bộ mái Tam bảo xây cuốn vòm kiểu cổ đẳng hai lớp mái gắn ngói nam. Trên nóc mái Tam Bảo trang trí họa tiết “khánh”, biểu tượng cho chữ “Phúc” và đan xen là các họa tiết “triện tàu lá dắt”.

Phía trong Tam bảo, bộ mái cuốn vòm đã được liên kết bởi các cột bê tông kiểu hai hàng chân cột. Các chân cột đặt trên chân tảng cổ bồng giả đá, đỉnh cột đắp họa tiết cánh sen đỡ vòm cuốn. giữa hai hàng cột của Tam Bảo là  7 lớp bệ thờ xây dật cấp từ cao xuống thấp. Tại đây bài trí 18 pho tượng, các pho tượng đều tạc bằng gỗ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Trong khuôn viên của chùa còn gồm những công trình: Phủ mẫu, nhà tổ, nhà khách, nhà bếp đều được xây khép kín bảo vệ công trình chính.
Nằm về phía trái chùa Bảo Hoa là Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo. Theo sư thầy Thích Đàm Hiếu, năm 1997 nhà thờ rước chân nhang Đức thánh Trần từ điện thờ Đức thành Trần ở xóm Lâm Trụ, cách chùa Bảo Hoa khoảng hơn 1km về hướng Đông. Công trình kiến trúc của đền được xây dựng kiểu chữ "Đinh" gồm: tiền đường 3 gian, cung cấm 1 gian, tất cả đều được xây cuốn vòm, mái gắn ngói nam. Hiện nay trên ban thờ tại cung cấm của đền thờ khám và tượng của Đức thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Hiện nay trong chùa Bảo Hoa còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị trong đó tiêu biểu nhất là: bia đá được khắc vào Triều Nguyễn niên hiệu Gia Long năm thứ 11 (1812), đây là tấm bia rất có giá trị, nội dung đề cập về lịch sử xây dựng chùa Bảo Hoa qua các thời kỳ. Chuông đồng: treo trên Tam Bảo đúc thời vua Lê Dụ Tông niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) là minh chứng cho niên đại khởi dựng cho di tích chùa Bảo Hoa. Khánh đồng được đúc vào thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 (1768), tạo dáng theo hình lưỡi rìu. Mặt trước khắc chữ Hán “ Khánh Bảo Hoa tự ký”, chính giữa khánh đúc nổi họa tiết lưỡng long chầu nguyệt và khắc một bài minh văn gồm 53 dòng chữ. Đây chính là những cổ vật rất có giá trị phục vụ cho công tác nghiên cứu  làm sáng tỏ lịch sử mảnh đất và con người nơi đây.

Đình Vuông và Chùa Bảo Hoa đều là những di tích liên quan đến lịch sử cách mạng, kháng chiến: Ngày 28/8/1945 tại Đình Vuông,  Ủy ban Cách mạng lâm thời của xã Quất Hải đã được thành lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”. Thời gian này Đình Vuông, chùa Bảo Hoa xã Giao Phong là địa điểm tổ chức các lớp "bình dân học vụ" cho nhân dân. Ngày 6/1/1946 Đình Vuông là địa điểm bỏ phiếu bầu cử Đại biểu quốc hội đầu tiên của nươc Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong thời gian từ năm 1953-1954, Đình Vuông và Chùa Bảo Hoa là địa điểm để quân du kích họp bàn tập trung tiêu diệt bốt Thức Hóa, một căn cứ quân sự kiên cố của Thực dân Pháp đóng trên địa bàn huyện.

Ngày 17/5/1954 bộ đội chủ lực của ta được lệnh tiêu diệt bốt Thức Hóa. Sau 8 ngày vây hãm, lực lượng chủ lực của ta gồm Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 cùng với Bộ đội huyện, dân quân du kích các xã: Giao Lâm, Giao Tân, Hải Yến, Giao Phong đồng loạt tổng công kích. Đến 3 giờ sáng ngày 25/5/1954, toàn lực lượng của địch đóng tại Bốt Thức Hóa đã bỏ súng quy hàng, chấm dứt thời kỳ chiếm đóng của quân Pháp trên địa bàn huyện.

Từ sau hòa bình lập lại cho đến những năm kháng chiến chống Mỹ cả Đình Vuông và Chùa Bảo Hoa đều trở thành địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện Cách mạng. Khi đế quốc Mỹ dùng không quân bắn phá Miền Bắc, 2 di tích này đều là kho cất giấu lương thực, vũ khí đạn dược. Đặc biệt Đình Vuông là trụ sở làm việc của UBND xã Giao Phong và chùa Bảo Hoa trở thành lớp học bổ túc văn hóa, đây cũng là nơi đưa tiễn các thế hệ thanh niên lên đường tòng quân đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, năm 2008 Đình Vuông và Chùa Bảo Hoa đã được UBND tỉnh Nam Định cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                  

                                                                                Như Quỳnh





image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1