Trường THCS Giao Phong 48 năm xây dựng và phát triển
Khi cánh én báo hiệu mùa xuân xinh đẹp đã về thì cũng là lúc trường THCS Giao Phong bước vào tuổi 48, độ tuổi đã tích tụ những dòng nhựa sống những kinh nghiệm đã trải qua trong suốt chiều dài lịch sử với nhiều biến động thăng trầm..


Cách đây gần một phần hai thế kỷ, lúc bấy giờ con em của quê hương Giao Phong phải tay xách nách mang sang các xã bạn (Giao Thịnh, Quất Lâm, Giao Yến) để học cấp II. Đảng bộ và nhân dân Giao Phong trăn trở và quyết tâm dựng cho các em ngôi trường cấp II; Thế là tháng 9 năm 1969 ngôi trường được khởi công xây dựng ngay cạnh quốc lộ 56 thuộc địa bàn xóm Lâm Hồ – xã Giao Phong với diện tích khoảng 1000m2 với 4 lớp học do thầy giáo Nguyễn Văn Mạnh  – Quê ở Ý Yên làm hiệu trưởng. Gọi là ngôi trường nhưng thực tế chỉ là những căn nhà tranh vách đất lợp bằng lá mía dựng lên nơi cồn cát, cảnh quan thật hoang sơ khó tả. Nhưng với tấm lòng yêu nghề mến trẻ, của hơn 10 thầy cô giáo và các em học sinh đã vượt lên trên hoàn cảnh, khắc phục khó khăn để biến không thành có. Chỉ sau một năm những hàng rào bằng tre, nứa quét vôi trắng tinh duyên dáng, rồi những hàng phi lao trồng thẳng tắp vi vu theo làn gió biển, những bồn hoa được quây bằng gạch đan xen khéo léo tôn thêm vẻ đẹp thân thiện của ngôi trường của lòng dân. Và theo dòng chảy của thời gian ngôi trường cứ lớn dần theo năm tháng cả về số lượng và chất lượng.

Năm 1972 đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc thầy và trò nhà trường lại phải sơ tán vào chân cồn cát, đào hầm hóa, ghép tranh tre, lá chắn rơm dựng lớp học dưới lòng đất… Những bài giảng của thầy cô, những tiếng hát của các em học sinh lại vang lên át tiếng bom thù.

Đế quốc Mỹ thất bại – thầy và trò nhà trường lại vang lên tiếng thầy cô giảng bài, tiếng nói cười nô đùa của học sinh. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn về cơ sở vật chất như thiếu lớp học, thiếu sân chơi bãi tập, trời nắng thì cát bụi trời mưa thì lầy lội. Thầy cô phải sống và làm việc trong những căn nhà tre chặt chội và ẩm mốc, nhưng cũng chính từ trong những khó khăn ấy trong những năm nửa sau của thập niên 70 đến nửa đầu của những năm 90 dưới sự lãnh đạo của các thầy hiệu trưởng thầy Đặng Xuân Hy, thầy Lê Huy Đoàn, cô Phạm Thị Lan, thầy Phạm Tiến Hỹ dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, chính quyền địa phương nhà trường đã từng bước thay da đổi thịt và vươn lên khẳng định truyền thống hiếu học của quê hương anh hùng. Những mái nhà tranh đã lùi vào dĩ vẵng và thay thế vào đó là những ngôi nhà cấp 4 mái ngói đỏ tươi với 14 lớp học khang trang đầy kiêu hãnh – Trường phổ thông cấp I, II Giao Phong hiện lên giữa làng quê thân yêu. Từ những năm nửa sau của thập niên 90 trường cấp I,II Giao Phong lại bước sang một trang sử mới quy mô hơn, lớn mạng hơn. Đặc biệt năm 1994 trường cấp II Giao Phong được tách riêng và chuyển lên phía Đông ngôi trường xưa với diện tích 3600m2. Ngôi nhà cao tầng khang trang thoáng mát với biển trường THCS Giao Phong được gắn ở cổng trường.

Năm 1997 trường lại được xây thêm dãy nhà cao tầng với 8 phòng học thoáng mát là kết quả của sự hợp tác giữa Việt Nam – CaNaĐa tài trợ và xây dựng trường do cô Phạm Thị Lan tiếp sau là cô Nguyễn Thị Huệ rồi thầy Cao Thắng Cảnh làm hiệu trưởng.

Từ khi thành lập đến nay trường THCS Giao Phong luôn phát huy danh hiệu trường Tiên tiến và Tiên tiến xuất sắc, nhà trường đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ giáo dục, của UBND tỉnh, bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam , bằng khen của trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, luôn giữ vững danh hiệu trường học có nếp sống văn hóa, trường học thân thiện, học sinh tích cực…Đặc biệt năm học 2013 – 2014 nhà trường được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Cũng chính từ ngôi trường đã có biết bao học sinh trưởng thành và thành đạt trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, an ninh, giáo dục … Rất nhiều học sinh nhà trường được giữ các chức vụ trọng trách trong các cơ quan, các đơn vị trong nước và ngoài nước…(tiêu biểu như học sinh: Nguyễn Nam Tiến, Nguyễn Đình Thi, Bùi Văn Hạnh, Trần Công Động, Trần Bình Trọng, Cao Văn Sơn, Nguyễn Văn Ca, Cao Đức Bôn, Trần Thế Truyền, Nguyễn Văn Thoa, Cao Văn Thân, Cao Đình Trọng, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Hùng…)

Năm 2012 với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Giao Phong đã đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng thêm dãy nhà hiệu bộ khang trang mở rộng khuân viên thêm 2000m2. Đến nay cơ sở vật chất của nhà trường đạt tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Có thể nói 47 năm thăng trầm của sự nghiệp giáo dục Giao Phong nói chung và trường THCS Giao Phong nói riêng là cả một quá trình phấn đấu gian khổ nhưng rất dỗi tự hào của toàn Đảng, toàn dân Giao Phong của biết bao thế hệ thầy và trò nhà trường. Tin tưởng rằng trường THCS Giao Phong sẽ luôn là địa chỉ tin cậy, một môi trường lý tưởng nuôi dưỡng và chắp cánh cho nhứng ước mơ hoài bão của tuổi trẻ Giao Phong hôm nay và mai sau./.

Tin liên quan
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1