Đôi điều suy ngẫm khi về thăm nông thôn mới xã Giao Phong
Lâu lắm, nay tôi mới về huyện Giao Thủy (Nam Định). Hai bên đường đổi mới, khó nhận ra những địa danh từng gắn bó với tôi những năm 80 của thế kỷ trước. Qua cầu Lạc Quần một đoạn, nhà tầng, doanh nghiệp tư nhân san sát tới bãi tắm Quất Lâm...


          Sau khi tiếp đoàn tại Trụ sở Huyện ủy- UBND huyện, đ/c Phạm Đức Tạ- Bí thư Huyện ủy mời chúng tôi đi thực tế nông thôn mới xã Giao Phong. Ô tô đoàn chúng tôi bon nhanh trên đường nhựa, tiến thẳng vào sân rộng thênh của UBND xã Giao Phong. Chủ tịch xã Phạm Ngọc Khải bước vào hội trường, gây cho tôi ấn tượng. Đôi mắt anh quầng thâm hơn cả đôi mắt Bí thư huyện Phạm Đức Tạ. Trán anh hằn nếp nhăn sóng biển, má hóp, tôi nghĩ đến người ốm. Nhưng khi anh nói, gương mặt rạng rỡ tươi vui, giọng trẻ khỏe vang. Hình ảnh đôi má hóp của Chủ tịch xã và đôi mắt quần thâm của đồng chí Bí thư Huyên ủy cứ chập chờn trước mắt tôi. Tai tôi nghe bập bõm anh kể vùng sản xuất lúa, quy hoạch nuôi thủy hải sản. Đồng muối canh tác thấp chuyển sang nuôi thủy hải sản. Tận dụng cơ hội. Quy hoạch trọng tâm trọng điểm thế mạnh địa phương. Không trông chờ, ỷ lại. Quá trình xây dựng luôn điều chỉnh quy trình cho phù hợp, tạo mọi điều kiện đồng thuận trong dân. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tham gia vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”...
          Tôi giơ tay phát biểu:
          - Xin hỏi Chủ tịch xã, để đạt chuẩn Quốc gia NÔNG THÔN MỚI, phải vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ. Khó nhất nguồn vốn. Kinh phí nhà nước cấp hạn hẹp, hỏi nguồn vốn nào giúp cho xã Giao Phong hoàn thành đúng tiến độ?
          - Câu hỏi thứ hai, một xã có 23,6% giáo dân, Đảng, chính quyền làm thế nào để lương giáo đoàn kết, chung tay xây dựng NÔNG THÔN MỚI đạt lá cờ đầu của huyện?
          Chủ tịch xã Phạm Ngọc Khải nở nụ cười tươi:
          - Báo cáo nhà văn, chúng tôi học tập và làm theo lời Bác dạy: “Khó trăm bề dân liệu cũng xong”. Mười chín tiêu chí, chúng tôi đưa ra dân bàn bạc. Các linh mục, chức sắc tôn giáo nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Chính Phủ, rồi vận động giáo dân đoàn kết xây dựng NÔNG THÔN MỚI để dân giàu nước mạnh. Mọi việc dân bàn bạc, thống nhất mới thực hành. Dân bảo nhau tự nguyện góp tiền, hiến đất.  Xin mời đoàn nhà văn xem danh sách “Công đức” xây dựng NÔNG THÔN MỚI  xã Giao Phong chúng tôi, ở ngoài cổng ủy ban.



          Tấm bia “Công đức” xây dựng NÔNG THÔN MỚI ở xã Giao Phong trang trọng, giống những tấm bia đá “Công đức” góp tiền của xây dựng các ngôi chùa linh thiêng. Trong số danh sách dài đóng góp tiền của, rất nhiều hộ, doanh nghiệp tư nhân góp 20, 30, 40, 50 triệu đồng. Có hộ dân góp 165 triệu đồng. Trong lúc cả nước đang gặp nhiều thiên tai, khó khăn như ai cũng biết, nhìn vào số tiền dân xã Giao Phong đóng góp thật kính phục. Tỏ rõ toàn dân xã Giao Phong đoàn kết xây dựng NÔNG THÔN MỚI, vì tương lai các thế hệ nối tiếp. Chúng tôi đi bộ trên đường nhựa trong thôn, đến thăm trường mầm non và trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia cấp 2. Ai cũng “Ồ” lên thán phục. Hai bên lối đi từ cổng vào trường, muôn màu hoa, cây cảnh đẹp. Bướm ong rập rờn. Chim chuyền cành ríu rít. Sân chơi của bé rộng rãi với các đồ chơi: đu quay, bập bênh, cầu trượt, voi ngựa cưỡi v.v... Trong lớp, bé nào cũng bụ bẫm, vỗ tay chào khách. Bên trường tiểu học, các em đồng phục áo trắng quần xanh, tập dượt đón ngày khai giảng. Tôi từng đặt chân đến mọi miền, chưa nơi nào tôi thấy trường mầm non, tiểu học khang trang đẹp đẽ như xã Giao Phong. Tôi nói nhỏ với Chủ tịch xã cảm xúc của mình. Anh ghé tai tôi thầm thì: “Bác đến thăm công ty sản xuất đồ chơi của huyện em, thì bác còn thích nữa. Chúng em đang tiến hành xây bể bơi cho trường tiểu học. Chúng em phải giữ vững chuẩn NÔNG THÔN MỚI. Chúng em không thỏa mãn thành tích, tiếp tục đi lên đẹp hơn. Còn nhiều gian khó...”


         
          Đoàn chúng tôi về nghỉ tại Quất Lâm. Đêm nay tôi cũng không ngủ được. Cuộc sống tươi đẹp xây dựng NÔNG THÔN MỚI ở Giao Thủy, tôi được tận mắt thấy trong ngày cứ nhảy múa trong đầu. Tôi ra sân thượng ngắm trăng. Tiếng sóng biển như hát ru bên nôi bé. Lúc này tôi ngộ ra: Vì sao Chủ tịch xã Giao Phong hóp má, đôi mắt Bí thư huyện quầng thâm. Chắc các anh sẽ có kế sách phát triển thế mạnh du lịch sẵn có của quê hương. Thiên nhiên ưu đãi cho Giao Thủy có bãi biển Quất Lâm thoai thoải. Rừng cây trên bờ biển Xanh – Sạch – Đẹp. “Vườn quốc gia” rừng ngập mặn Cồn Lu, có những đàn chim quý hiếm trong sách đỏ. “Bảo tàng đồng quê” tư nhân của vợ chồng tướng Hoàng Kiền nổi tiếng. Ba cảnh đẹp hấp dẫn, tạo thế cho nhau thu hút khách trong, ngoài tỉnh về đây nghỉ mát cuối tuần. Trăng đi theo bước chân tôi ra bờ biển như muốn nói điều gì. Ơ, đám mây bay qua trăng kéo vệt nhăn như trán Chủ tịch xã Phạm Ngọc Khải. Mây xa rồi, trăng quầng quầng như mắt Bí thư huyện Phạm Đức Tạ. Những người đứng đầu cơ quan Đảng. chính quyền huyện Giao Thủy thực sự là “Công bộc của dân”. Các anh học tập và làm theo lời Bác bằng việc làm thường ngày. “Việc gì có lợi cho dân thì làm”. Quá trình 5 năm xây dựng NÔNG THÔN MỚI của huyện, không có đơn kiện cáo gì. Đó là minh chứng Đảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh. Các anh vắt óc vạch ra quy trình sáng tạo, đi tới đích xây dựng đúng tiến độ NÔNG THÔN MỚI. Là những người chèo lái con thuyền Giao Thủy nơi đầu sóng ngọn gió, làm sao các anh ngủ yên được. Các anh cùng vất vả, lăn lộn với dân, vượt sóng to bão lớn, để hôm nay Giao Thủy đứng trong đội ngũ lá cờ đầu xây dựng NÔNG THÔN MỚI toàn quốc.    
                                                                                                                                                       Trần Thị Nhật Tân  
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1